Kích du lịch bằng Internet

Thương mại điện tử đã mở ra cánh cửa mới cho phát triển du lịch. Vậy mà chưa nhiều doanh nghiệp du lịch Việt Nam quan tâm đúng mức đến vấn đề này.

 

Theo thống kê của Google, có hơn 98% người mua các sản phẩm du lịch thực hiện tìm kiếm online trước khi chọn tour.

Chưa xứng tiềm năng

Trong năm 2010 và những tháng đầu năm 2011, trung bình có khoảng 600.000 đến 800.000 lượt tìm kiếm khu nghỉ dưỡng tại Việt Nam qua Internet. Vào những tháng cao điểm, con số này còn tăng đến hơn 1 triệu lượt. Ngoài ra, nhu cầu tìm kiếm khách sạn, tour tuyến trên Internet cũng đạt từ 2-3 triệu lượt/tháng. Đặc biệt, việc tìm kiếm tour du lịch chiếm tỷ lệ cao nhất, đạt từ 5-7 triệu lượt/tháng. Tổ chức Web In Travel (WIT) đưa ra dự báo đến năm 2013, tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, doanh thu từ đặt phòng khách sạn, mua tour du lịch, vé máy bay trực tuyến sẽ chiếm khoảng 50% trên tổng doanh thu. Những con số trên đã cho thấy Internet thực sự là một kênh để quảng bá không thể thiếu đối với sự phát triển của các công ty lữ hành.

Tuy nhiên, theo ông Trần Tiến Nghị, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch, dường như các công ty du lịch của Việt Nam vẫn chưa khai thác mạnh mẽ tiềm năng này. Ông Nghị chỉ ra rằng, trong số hơn 900 công ty lữ hành quốc tế và hơn 1000 khách sạn đang hoạt động ở Việt Nam, con số các công ty, khách sạn sử dụng Internet như một công cụ quảng bá chính thống không nhiều; chủ yếu vẫn là các công ty lớn, khách sạn từ 3 sao trở lên và có mối liên hệ với các công ty mẹ từ nước ngoài.

Đồng tình với quan điểm của ông Nghị, đại diện của Hiệp hội Khách sạn Việt Nam nhận định, nhiều trang web của các công ty lữ hành, khách sạn vẫn chỉ chủ yếu phục vụ chủ yếu cho doanh nghiệp trong nước, chưa có nhiều trang web phục vụ cho đối tượng nước ngoài, nhất là các dịch vụ về du lịch. Thêm vào đó, các thông tin trên website rất cũ kỹ, ít có nội dung mới. Điều đó cho thấy sự đầu tư xây dựng và “chăm sóc” trang web vẫn còn nhiều yếu kém.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến sự yếu kém trong quảng bá du lịch trực tuyến là do các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự nhận biết rõ được tầm quan trọng của loại hình này. Ông Ken Tan, Giám đốc Phát triển kinh doanh của PayPal tại Đông Nam Á cho rằng, nhiều doanh nghiệp sau khi đầu tư rất kỹ lưỡng cho website lại bỏ qua giai đoạn quảng bá cho trang web của mình. Công cụ tốt nhất để có thể hướng tới đối tượng người dùng là sử dụng công cụ tìm kiếm như Google. Việc làm này không chỉ giúp doanh nghiệp tiếp cận người dùng nhanh nhất mà còn nhận được báo cáo hàng tuần/tháng bằng công cụ của chính Google với các thông số như số lần quảng cáo xuất hiện, lượng người quan tâm và click vào quảng cáo, số tiền phải trả… Ngoài ra, công cụ miễn phí Google Analytics còn cho biết thêm các thông tin bổ sung như lượng người truy cập đến từ đâu, qua kênh nào, thậm chí cả tỷ lệ người truy cập thoát khỏi website… đều được thống kê cụ thể.

 

Ví điện tử, tại sao không?

Các chuyên gia marketing cho rằng, để có thể phát huy hết sức mạnh của Internet thì ngoài việc nâng cấp website, thì việc sử dụng các công cụ phần mềm hỗ trợ mua – bán tour trở nên hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Ví điện tử là công cụ hữu hiệu cần thiết để giải bài toán này. Ông Ken Tan cho biết, trong tháng 9 và 10 tới ông sẽ có 2 tuần để đi du lịch châu Phi. Toàn bộ chuyến đi do ông tự lên mạng tìm kiếm thông tin, tự đặt tour qua mạng. Điều mà ông muốn nhấn mạnh là ông chỉ chọn những trang web của công ty nào có hệ thống thanh toán trực tuyến hiệu quả, tiện lợi cho người dùng. Theo ông Ken Tan, du lịch là một ngành có sự cạnh tranh khốc liệt. Những thông tin giới thiệu về địa điểm đến thì giờ đã không còn là điều quan tâm số 1 của du khách nữa, mà họ quan tâm nhiều đến chất lượng dịch vụ nhiều hơn. Trong đó, cổng thanh toán trực tuyến hữu hiệu sẽ là kênh mà các công ty lữ hành không nên bỏ qua.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Tổng giám đốc Công ty PeaceSoft cũng chỉ ra rằng, các công ty du lịch ở các nước láng giềng như Singapore, Malaysia, Indonesia… đang sử dụng công cụ ví điện tử rất hữu hiệu. Thậm chí, họ đã dùng các kênh quảng cáo có sử dụng công cụ thanh toán trực tuyến tại thị trường Việt Nam để tiếp cận với khách hàng Việt. Vậy thì tại sao các doanh nghiệp du lịch trong nước lại không bắt tay vào việc đầu tư và sử dụng mạnh mẽ hơn công cụ thanh toán hiệu quả này để quảng bá và phát triển tiềm năng du lịch Việt?

SHARE